Huấn Luyện Con Cái Bạn Có Thói Quen Đức Tin Bởi JC Ryle
Tập cho chúng có thói quen đức tin.
Ý tôi là, bạn nên huấn luyện con trẻ tin vào những gì bạn nói. Bạn nên cố gắng làm cho chúng cảm thấy tin tưởng vào phán đoán của bạn và tôn trọng ý kiến của bạn, tốt hơn ý kiến của chúng.
Bạn nên khiến con trẻ nghĩ rằng, khi bạn nói điều gì không tốt cho chúng, thì điều đó nhất định là xấu, và khi bạn nói điều đó tốt cho chúng, thì điều đó phải tốt; rằng kiến thức của bạn, tóm lại, tốt hơn kiến thức của chúng, và rằng chúng có thể hoàn toàn tin tưởng vào lời nói của bạn. Hãy dạy chúng cảm thấy rằng những gì chúng không biết bây giờ, có thể sau này chúng sẽ biết, và để hài lòng thì mọi việc bạn yêu cầu chúng làm đều có lý do.
Ai có thể mô tả được phước lành của một tinh thần đức tin thực sự? Hay đúng hơn, ai có thể kể hết sự khốn khổ mà sự vô tín đã mang lại cho thế giới? Sự vô tín đã khiến Ê-va ăn trái cấm—bà đã nghi ngờ lẽ thật của lời Đức Chúa Trời: “Ngươi chắc chắn sẽ chết.” Sự vô tín đã khiến thế giới xưa từ chối lời cảnh báo của Nô-ê, và do đó bị diệt vong trong tội lỗi của họ. Sự vô tín đã giữ dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng—chính là chướng ngại vật đã ngăn cản họ tiến vào vùng Đất hứa. Sự vô tín đã khiến người Do Thái đóng đinh Chúa vinh hiển—họ không tin vào lời nói của Môi-se và các đấng Tiên tri, mặc dù họ được đọc cho họ nghe hàng ngày. Và sự vô tín là tội lỗi ngự trị trong lòng con người cho đến tận giờ phút này—không tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời—không tin vào cơn thịnh nộ và kỷ luật của Đức Chúa Trời—không tin vào tội lỗi của chính mình—không tin vào mối nguy hiểm của chính mình—không tin vào mọi thứ đi ngược lại với sự kiêu ngạo và tấm lòng xấu xa của chúng ta. Việc bạn huấn luyện con cái sẽ chẳng có giá trị gì nếu bạn không huấn luyện chúng có thói quen tin tưởng tuyệt đối—tin vào lời nói của cha mẹ, tin chắc rằng những gì cha mẹ chúng nói là đúng.
Tôi đã nghe một số người nói rằng bạn không nên đòi hỏi gì ở trẻ em mà chúng không hiểu, và bạn nên giải thích và đưa ra lý do cho mọi việc bạn muốn chúng làm. Tôi long trọng cảnh báo bạn chống lại một quan niệm như vậy. Tôi nói rõ với bạn, tôi nghĩ đó là một nguyên tắc không lành mạnh và đồi bại. Chắc chắn là vô lý khi biến mọi việc bạn làm thành sự bí ẩn, và có nhiều điều nên giải thích cho trẻ em, để chúng thấy rằng những gì chúng ta nói là hợp lý và khôn ngoan. Điều này thực sự là một sai lầm đáng sợ, và có khả năng ảnh hưởng xấu nhất đến tâm trí của con trẻ khi chúng ta khơi dậy cho chúng ý tưởng rằng chúng không được tin tưởng bất cứ điều gì, rằng chúng phải hiểu rõ “tại sao” và “vì sao” chúng phải thực hiện điều đó. Nên nhớ rằng con trẻ có sự hiểu biết yếu kém và không hoàn hảo của mình.
Vào những thời điểm nhất định, nếu bạn muốn, hãy lý luận với con bạn, nhưng đừng bao giờ quên ghi nhớ (nếu bạn thực sự yêu con trẻ) rằng con chỉ là một đứa trẻ—rằng con nghĩ như một đứa trẻ, hiểu như một đứa trẻ, và do đó không phải lúc nào cũng mong biết được lý do của mọi việc.
Hãy đặt trước mặt con trẻ tấm gương của Y-sác, vào ngày Áp-ra-ham đem Y-sác đến dâng làm của lễ trên núi Mô-ri-a [Sáng thế ký 22]. Y-sác hỏi cha mình một câu đơn giản: “Chiên con để làm của lễ thiêu đâu?” và Y-sác không nhận được câu trả lời nào ngoài điều này, Áp-ra-ham trả lời, “Chính Đức Chúa Trời sẽ cung cấp chiên con.” Bằng cách nào, ở đâu, hoặc khi nào, hoặc bằng cách nào, hoặc bằng phương tiện gì—tất cả những điều này Y-sác không được cho biết; nhưng câu trả lời là đủ rồi. Y-sác đã tin rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, bởi vì cha anh đã nói như vậy, và anh bằng lòng.
Ngoài ra, hãy nói với con bạn rằng tất cả chúng ta đều phải là người học ngay từ đầu, rằng có một bảng chữ cái để thông thạo mọi loại kiến thức—rằng con ngựa tốt nhất trên thế giới đã từng cần phải được huấn luyện—rằng một ngày nào đó sẽ đến khi chúng sẽ thấy sự khôn ngoan của tất cả về sự huấn luyện của bạn. Nhưng trong khi chờ đợi, nếu bạn nói điều gì là đúng, thì điều đó phải là đủ đối với chúng—chúng phải tin bạn và bằng lòng.
Thưa các bậc cha mẹ, nếu có điểm nào quan trọng trong việc huấn luyện, thì đó chính là điều này. Tôi khuyên bạn hãy lấy tình yêu thương mà bạn dành cho con cái, hãy dùng mọi cách để tập cho chúng thói quen đức tin.
“Bổn phận của cha mẹ”
Dịch: Nguyễn Văn Hiếu